Các dấu hiệu nhận biết nhiễm trùng huyết ở trẻ em

Theo TS, bác sĩ Chu Thanh Sơn – Khoa Điều trị tích cực Nội khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương, việc nhận biết sớm trẻ nhiễm trùng huyết khá khó khăn đối với phụ huynh, do các triệu chứng này cũng thường gặp trong các bệnh lý sốt lành tính.

Tin từ Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, thời gian qua, bệnh viện đã tiếp nhận nhiều bệnh nhi bị nhiễm khuẩn khuyết dẫn đến sốc nhiễm khuẩn, suy đa cơ quan rất nguy hiểm.

Đáng nói, trẻ thường có biểu hiện bệnh nhẹ, cha mẹ tự điều trị cho con nhưng bất ngờ trẻ có biểu hiện sốt cao, mệt mỏi nghiêm trọng.

Gần nhất là bé trai N.H (1 tuổi, ở Hà Nội) tiền sử khỏe mạnh, bệnh diễn biến tại nhà khoảng 5 ngày với các biểu hiện như sốt cao liên tục khó hạ, mệt nhiều, kèm hắt hơi, sổ mũi. Gia đìnhcho trẻ sử dụng thuốc hạ sốt và kháng sinh, tuy nhiên trẻ vẫn sốt cao liên tục, mệt mỏi, thở nhanh nên được đưa đến Bệnh viện Nhi Trung ương.

Trẻ vào Khoa Cấp cứu và Chống độc trong tình trạng rất nguy kịch, suy hô hấp, suy tuần hoàn, quấy khóc nhiều. Các xét nghiệm ban đầu ghi nhận chỉ số viêm tăng cao, rối loạn đông máu, tăng men gan, suy thận cấp.

Ngay lập tức, các bác sĩ nhận định đây là tình trạng nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn. Trẻ được đặt ống nội khí quản, bù dịch, sử dụng thuốc vận mạch và kháng sinh phổ rộng để ổn định sau đó chuyển lên Khoa Điều trị tích cực Nội khoa.

Tại đây, bệnh nhi tiếp tục được hồi sức tích cực điều trị sốc nhiễm khuẩn, tuy nhiên tình trạng cải thiện không rõ rệt, trẻ có biến chứng tràn dịch màng ngoài tim, tràn dịch màng phổi, suy thận cấp. Các bác sĩ đã tiến hành dẫn lưu dịch màng ngoài tim, màng phổi và lọc máu liên tục.

Trẻ sốt cao, sổ mũi tưởng viêm họng, nào ngờ nhiễm trùng huyết nguy hiểm - Ảnh 1.

Bé N.H đang được lọc máu liên tục tại Khoa Điều trị tích cực Nội khoa. Ảnh BVCC

Kết quả xét nghiệm khẳng định căn nguyên gây nhiễm khuẩn ở trẻ là do tụ cầu vàng. Đây là nguyên nhân khá thường gặp gây tổn thương nhiều cơ quan như viêm phổi, tràn dịch màng phổi, tràn dịch màng tim, viêm xương, viêm khớp.

Bệnh nhi được điều trị tích cực bằng kháng sinh, dẫn lưu màng phổi, màng tim (dọn sạch các ổ nhiễm trùng), hỗ trợ hô hấp, hỗ trợ tuần hoàn, sau 14 ngày điều trị tình trạng trẻ đã có tiến triển nhưng vẫn còn nặng.

Một trường hợp mắc nhiễm trùng huyết khác cũng vừa được các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương cứu sống là bé gái P.T (18 tháng tuổi).

Trước khi nhập viện 4 ngày, trẻ xuất hiện nốt mụn nhọt sau gáy, đến ngày thứ 2 trẻ sốt cao, đi ngoài phân lỏng. Gia đình cho trẻ đi khám tại bệnh viện huyện và được bác sĩ kê đơn thuốc điều trị ngoại trú.

Tuy nhiên sau đó trẻ vẫn sốt cao liên tục, tím tái toàn thân, khó thở nên được gia đình đưa đến bệnh viện tuyến tỉnh.

Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán trẻ nhiễm trùng huyết và chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng tổn thương nhiều cơ quan: viêm phổi nặng, tràn dịch màng phổi và rối loạn đông máu. Căn nguyên gây bệnh được xác định là tụ cầu vàng.

Nhờ sự tận tâm, nỗ lực của các y, bác sĩ với các biện pháp điều trị tích cực như thở máy, dẫn lưu ổ dịch màng phổi, dùng các thuốc trợ tim và kháng sinh, hiện trẻ đã qua cơn nguy kịch, cai được máy thở, tuy nhiên vẫn cần theo dõi thêm biến chứng hậu nhiễm trùng huyết.

Nhiễm trùng huyết có tỷ lệ tử vong cao

Bác sĩ Lê Nhật Cường – Khoa Điều trị tích cực Nội khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, sốc nhiễm trùng là tình trạng bệnh lý thường gặp.

Nhiều bệnh nhân vào viện trong tình trạng rất nguy kịch. Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh sẽ diễn biến tới suy đa cơ quan (gan, thận, rối loạn đông máu).

"Điều trị sốc nhiễm trùng chủ yếu là phát hiện sớm, sử dụng kháng sinh kịp thời, hồi sức hô hấp bằng hỗ trợ thở máy, hồi sức tuần hoàn bằng thuốc vận mạch, trợ tim.

Ngoài ra, một số biện pháp hỗ trợ tích cực cho bệnh nhân nhiễm khuẩn huyết như: lọc máu liên tục hỗ trợ trong các bệnh nhân suy thận, sử dụng tim phổi nhân tạo (ECMO) cho các bệnh nhân suy hô hấp nặng, suy tuần hoàn nặng không đáp ứng với sử dụng thuốc vận mạch.

Đáng nói, dù có nhiều tiến bộ trong điều trị hồi sức, nhưng sốc nhiễm khuẩn vẫn là gánh nặng bệnh tật lớn, tỉ lệ tử vong có giảm nhưng còn cao", bác sĩ Cường chia sẻ.

Trẻ sốt cao, sổ mũi tưởng viêm họng, nào ngờ nhiễm trùng huyết nguy hiểm - Ảnh 2.

BS Lê Nhật Cường – Khoa Điều trị tích cực Nội khoa thăm khám và theo dõi sát sao diễn biến bệnh của trẻ bị nhiễm khuẩn huyết.

Các dấu hiệu nhận biết nhiễm trùng huyết ở trẻ em

Theo TS, bác sĩ Chu Thanh Sơn – Khoa Điều trị tích cực Nội khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương, việc nhận biết sớm trẻ nhiễm trùng huyết khá khó khăn đối với phụ huynh, do các triệu chứng này cũng thường gặp trong các bệnh lý sốt lành tính.

Tuy nhiên, nhiễm trùng huyết diễn tiến nhanh, biến chứng nặng nếu không được can thiệp hỗ trợ kịp thời.

Một số triệu chứng nhận biết trẻ bị nhiễm trùng huyết bao gồm:

  • Nói nhịu hoặc lú lẫn
  • Run cơ hoặc đau cơ, sốt
  • Không có nước tiểu
  • Khó thở
  • Mệt mỏi, kiệt sức
  • Da tái hoặc nổi vân tím

TS Sơn nhấn mạnh: "Nhiễm trùng huyết là bệnh lý cấp cứu, kết quả điều trị phụ thuộc vào việc bệnh nhi được phát hiện và xử trí kịp thời.

Do đó, nếu nghi ngờ hoặc đã xác định trẻ bị nhiễm trùng và xuất hiện các triệu chứng trên, cha mẹ cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và xử trí kịp thời.

Những trường hợp đáp ứng tốt, có thể phục hồi sau 7-14 ngày, với trường hợp phát hiện và điều trị muộn, trẻ có thể tử vong hoặc chịu các di chứng của nhiễm trùng huyết suốt đời".

Minh Thuỳ (t/h)
suckhoeviet.org.vn
link nguồn:https://suckhoeviet.org.vn/cac-dau-hieu-nhan-biet-nhiem-trung-huyet-o-tre-em-8071.html

Đã đăng bởi Sức Khỏe Việt trong mục Cẩm nang Mẹ và Bé
2256 lượt xem

Bài liên quan

00:00 Thịnh hành Cảnh báo tình trạng ngộ độc chì ở trẻ em

Cảnh báo tình trạng ngộ độc chì ở trẻ em

1604 lượt xem
00:00 Thịnh hành Phòng bệnh sởi cho trẻ em trong mùa xuân

Phòng bệnh sởi cho trẻ em trong mùa xuân

4618 lượt xem
00:00 Thịnh hành Bảo vệ sức khỏe trẻ sinh non Việt Nam

Bảo vệ sức khỏe trẻ sinh non Việt Nam

3353 lượt xem
00:00 Thịnh hành Một số bài thuốc đông y làm đẹp da

Một số bài thuốc đông y làm đẹp da

466 lượt xem
00:00 Thịnh hành Gia tăng bệnh viêm phổi ở trẻ

Gia tăng bệnh viêm phổi ở trẻ

1257 lượt xem