Cần có những hướng dẫn chi tiết hơn trong thực hiện đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư y tế

Nghị định 24 có hiệu lực đó là tin vui cho tất cả các bệnh viện. Tuy nhiên, theo lãnh đạo bệnh viện, trong quá trình triển khai thực hiện, cần có những hướng dẫn chi tiết hơn.

Hôm nay (23/3), tại Bắc Ninh, Bệnh viện Mắt Trung ương chủ trì tổ chức Hội nghị Giám đốc các bệnh viện chuyên khoa mắt, cập nhật kinh nghiệm về đào tạo, chỉ đạo tuyến và đấu thầu y tế.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Hoàng Cương - Trưởng phòng Chính sách, Cục Quản lý đấu thầu - Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tính từ 1/2024 khi Luật Đấu thầu mới có hiệu lực áp dụng, đã có trên 1 vạn gói thầu các ngành nghề phát hành hồ sơ mời thầu theo luật mới, trong đó có các gói thầu mua sắm cho y tế.

Hàng chục giám đốc bệnh viện ngành mắt và chuyên gia thảo luận tháo gỡ "điểm nghẽn" đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư
Ảnh: suckhoedoisong.vn

Cũng theo ông Cương, ngày 27/2 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 24 24/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu có những điểm mới để giải quyết khó khăn, vướng mắc về đấu thầu trong lĩnh vực y tế. Hiện các chủ đầu tư đã có đủ hành lang pháp lý để thực hiện đấu thầu.

Tuy nhiên, để công tác đấu thầu được thực hiện dễ dàng và đồng bộ, hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Y tế cũng đang khẩn trương xây dựng các thông tư, hướng dẫn để cụ thể hóa Luật Đấu thầu và Nghị định 24.

Ông Cương cho hay, sắp tới Bộ Y tế sẽ ban hành 3 thông tư hướng dẫn về quy trình, danh mục đàm phán giá, mua sắm tập trung và đấu thầu thuốc. Về phía Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng sẽ ban hành Chỉ thị về việc nâng cao vai trò, trách nhiệm của các đơn vị sự nghiệp công lập trong việc tự quyết và tự chịu trách nhiệm trong công tác đầu thầu mua sắm.

Hàng chục giám đốc bệnh viện ngành mắt và chuyên gia thảo luận tháo gỡ "điểm nghẽn" đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư
PGS.TS.Phạm Ngọc Đông, Phó Giám đốc phụ trách chuyên môn Bệnh viện Mắt Trung ương (Ảnh: Minh Nhật). Ảnh: Dân trí

PGS.TS.Phạm Ngọc Đông, Phó Giám đốc phụ trách chuyên môn Bệnh viện Mắt Trung ương (Ảnh: Minh Nhật).

PGS.TS Phạm Ngọc Đông - Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết, đến thời điểm này, các gói thầu cơ bản có kết quả. Bệnh viện đã nhận được các vật tư chính để đảm bảo phẫu thuật, khám chữa bệnh cấp cứu cho bệnh nhân. Ví dụ, phẫu thuật đục thủy tinh thể, phẫu thuật cắt dịch kính...

"Trước đây, chúng tôi trống khoảng gần 40% giường bệnh nhưng đến nay đã có những thời điểm bệnh nhân phải nằm ghép, và hiện tại trung bình tỷ lệ sử dụng giường bệnh khoảng 95-97%" - ông Đông thông tin.

Tuy nhiên Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt Trung ương cũng cho biết có một số gói thầu do không có nhà thầu tham dự, hoặc có nhà thầu tham dự nhưng không trúng thầu nên bệnh viện còn thiếu một số vật tư. Như việc thiếu dây silicon để mổ sụp mi cho bệnh nhân, tuy nhiên, số lượng bệnh nhân sử dụng phẫu thuật này không nhiều và có thể trì hoãn vì không phải phẫu thuật cấp cứu.

Theo ông Đông, Nghị định 24 có hiệu lực đó là tin vui cho tất cả các bệnh viện trong ngành y tế. Hiện đã có cơ bản các hướng dẫn để triển khai công tác đấu thầu như việc xây dựng giá, các bước triển khai đấu thầu... Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, chúng tôi vẫn cần có những hướng dẫn chi tiết hơn ví như vấn đề chọn nhóm nước rồi vùng lãnh thổ như thế nào để phù hợp.

Đồng quan điểm với ông Đông, nhiều đại diện các bệnh viện mắt cho rằng vẫn chưa có sự phân nhóm các loại thuốc, vật tư, trang thiết bị cụ thể đâu là hạng mục dành cho các cơ sở y tế, khám chữa bệnh được phép chủ động đấu thầu mua sắm. Thậm chí, nhiều phần mềm như mua sắm trực tuyến, hay chào giá trực tuyến cũng chưa đi vào hoạt động đồng bộ, nên việc thực hiện cũng chưa khả thi.

Một vấn đề khác đó được BSCKII Lê Anh Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Mắt TP Hồ Chí Minh đề cập đến là: "Nghị định có hướng dẫn rất rõ về vấn đề báo giá nhưng chúng tôi lo vấn đề các cơ quan hữu quan hiểu khác nhau về vấn đề báo giá, điển hình là câu chuyện có lấy giá ship (giá vận chuyển - PV) hay không".

Liên quan đến vấn đề này, ông Hoàng Cương cũng cho biết, hiện đã gỡ khó cơ bản trong mua sắm, đấu thầu để đảm bảo hoạt động chuyên môn của bệnh viện trên tinh thần chung là nếu như trước đây, tất cả nguồn thu từ bệnh viện dùng để mua sắm đều phải đấu thầu, tuy nhiên luật mới sẽ cho phép một vài hạng mục không cần thiết phải đấu thầu mà các giám đốc sẽ được tự quyết định.

Trong đó có các điểm điển hình như: chủ động mua thuốc đối với những loại không thuộc danh mục do quỹ BHYT chi trả; mua vaccine để tiêm chủng theo hình thức dịch vụ; mua sắm từ nguồn các khoản tài trợ từ thiện từ các tổ chức, cá nhân (nếu các tổ chức này không yêu cầu các bệnh viện phải đấu thầu theo luật, thậm chí có thể chủ động sử dụng các khoản bệnh viện huy động được và đi vay nhưng không phải từ nguồn vốn ODA để mua sắm phục vụ cho công tác khám chữa bệnh của cơ sở).

Đặc biệt trong một số trường hợp các bệnh viện sẽ được chỉ định thầu nếu chỉ có duy nhất một nhà thầu đáp ứng, hay các trường hợp dịch bệnh chuẩn được công bố dịch, trong trường hợp cấp bách cấp cứu, để đảm bảo vật tư điều trị, nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của bệnh viện cũng như đảm bảo sức khỏe tính mạng của người dân nếu thiếu vật tư thuốc, trang thiết bị...

Minh Thùy (t/h)
suckhoeviet.org.vn
link nguồn:https://suckhoeviet.org.vn/can-co-nhung-huong-dan-chi-tiet-hon-trong-thuc-hien-dau-thau-mua-sam-thuoc-vat-tu-y-te-11536.html
 

Đã đăng bởi Sức Khỏe Việt trong mục Tin tức
5613 lượt xem

Bài liên quan