Thực thi bản quyền tác phẩm: Những vấn đề nổi cộm từ thực tiễn

Ban tổ chức show diễn Hà Nội phố 2 gặp những rắc rối vì chưa xin phép sử dụng ca khúc của nhạc sĩ Phú Quang.

 

Ban tổ chức show diễn Hà Nội phố 2 gặp những rắc rối vì chưa xin phép sử dụng ca khúc của nhạc sĩ Phú Quang.

Chuyện “bếp núc” bản quyền thời xưa

Trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật nước nhà, từ thời xưa, chuyện câu chữ gần giống, giai điệu ca khúc “na ná” nhau đã có. Tìm lại các bài viết cũ của các nhà văn, nhà thơ, người làm nghệ thuật có bắt gặp nhiều dẫn chứng về việc câu chữ giống nhau như: Từ năm 1963, nhà văn Lê Phương đã đặt cho bộ tiểu thuyết 2 tập của mình là “Bất khuất”, thì năm 1965, nhà thơ Văn Công cũng đặt tên cho tập thơ của mình là “Bất khuất”.

Nhiều cây bút đã đặt giả thiết, ở thời điểm ấy, văn hay thơ đều gặp nhau ở một điểm: “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng” nên những cái tên sách “cứng cỏi” như vậy đều có thể được “dùng chung” chăng?

Ngoài việc trùng tên, còn có trường hợp trùng tên với những cuốn sách nổi đình nổi đám của các tác giả nước ngoài, như trường hợp tập thơ “Lá cỏ” của nhà thơ Tạ Vũ (giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội năm 2001). Cái tên của tập thơ khiến bạn đọc liên tưởng tới tập “Lá cỏ” của thi hào Mỹ Walt Whitman. Điều lạ là ở ngoài mặt bìa chính của cả hai tập thơ đều không có hình thù gì ngoài hai chữ "Lá cỏ" được các họa sĩ trình bày cách điệu, gợi hình những lá cỏ. Được biết, tác giả Tạ Vũ không phải là người sính ngoại nên việc ông đặt tên tập thơ như vậy chỉ có thể giải thích đó là sự trùng hợp ngẫu nhiên.

Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị về vấn đề bản quyền đối với tác phẩm văn học, nghệ thuật ngày xưa, thời chưa hội nhập, nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến chia sẻ: “Văn thơ ngày xưa trùng hợp không nhiều nhưng cũng không phải không có. Một số ít vụ việc kiện cáo xảy ra về kịch bản nhưng chỉ giải quyết bằng Luật Dân sự. Sau đó, 2 bên thỏa thuận, không sử dụng những điểm trùng lặp nữa”.

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến cho hay: “Thực ra rất khó xác định thế nào là ăn cắp, trùng hợp mặc dù sản phẩm của người làm ra sau có ý tưởng giống người đi trước.

Mặc khác, ngày xưa, các quy định của luật không có để điều chỉnh điều đó. Khi không có luật điều chỉnh, chuyện ông A hay bà B kể có người lấy ý tưởng của mình là chuyện hàng ngày được nói hàng nước, vỉa hè, bên lề, không phải chính thống. Mọi việc chỉ dừng ở đó thôi, không có cuộc tranh luận lớn như trên báo chí. Có thể, người này thấy ý tưởng đó hay, nhưng họ bảo đó là vô tình”.

Lấy chính câu chuyện từ mình, nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến chia sẻ, anh cũng đã từng có ý tưởng viết về một đề tài chiến tranh chống Mỹ. Sau đó, ông P.N.T xin ý tưởng để viết thành truyện và được giải thưởng của Báo Văn Nghệ năm 1992. Thế nên, người trong cuộc cũng không phàn nàn gì cả.

Và đó là thời mà vấn đề đăng ký bản quyền còn quá xa lạ với các tác giả. Đến nay khi Việt Nam tham gia Công ước Berne, thì vấn đề hoàn thiện và thực thi chính sách bản quyền tác giả càng trở nên bức xúc. Thế nhưng, không phải vì thế mà vấn đề vi phạm bản quyền cũng như thực thi các quy định tác quyền được nghiêm túc.

Trên thực tế, hoặc do sự nhận thức, hiểu biết chưa đầy đủ về tầm quan trọng của công tác bảo hộ và những quy định của pháp luật về quyền tác giả; hoặc do chạy theo lợi nhuận, cố tình vi phạm đạo đức kinh doanh; hay do sự yếu kém, quản lý lỏng lẻo của luật pháp - mà tình trạng vi phạm bản quyền ngày càng trầm trọng.

 

Vi phạm tác quyền thời 4.0

Theo phản ánh của một số nhạc sĩ là chủ sở hữu tác phẩm chỉ cho phép một số cá nhân là ca sĩ, hoặc đơn vị truyền thông chuyên kinh doanh âm nhạc trên các nền tảng trực tuyến... được phép thu thanh, thu hình và truyền tải lên các trang mạng những tác phẩm của họ với mục đích phổ biến rộng rãi đến người công chúng.

Tuy nhiên các cá nhân hoặc tổ chức này lại lạm dụng những giấy tờ đã ký với tác giả vì mục đích phổ biến tác phẩm để phục vụ triệt để cho việc kinh doanh của họ. Cụ thể, sai phạm ở đây là khai thác, thu tiền trên nền tảng youtube và lấy trọn phần doanh thu này, đồng thời vô hiệu hóa quyền của chính tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, khiến tác giả vô cùng thiệt thòi.

Câu chuyện tác quyền âm nhạc các nhạc phẩm của nhạc sĩ Phú Quang vừa ầm ĩ trên truyền thông thời gian vừa qua cũng là một ví dụ đánh lận con đen của đơn vị tổ chức. Gia đình nhạc sĩ Phú Quang bức xúc vì các tác phẩm của ông được sử dụng trong show âm nhạc, hát kinh doanh phòng trà nhưng đơn vị tổ chức không xin phép, không thực hiện tác quyền âm nhạc.

Sau các ý kiến bức xúc, một đơn vị tổ chức trưng ra văn bản có chữ ký của nhạc sĩ Phú Quang với nội dung: Nhạc sĩ Phú Quang đồng ý tặng 6 bài hát cho nhà tổ chức do ông sáng tác và thu thanh hoàn chỉnh.

Dòng cuối văn bản ghi rõ: “Các bài trên tôi đã gửi bản quyền và thù lao cho các ca sĩ và nhạc công đầy đủ”. Nhà sản xuất cho rằng với văn bản này, họ có thể dùng 6 bài hát trên để làm đĩa, mang biểu diễn trên các sân khấu âm nhạc mà không cần hỏi ý kiến gia đình cố nhạc sĩ.

Tuy nhiên đây là cách hiểu sai hoặc cố tình hiểu sai của nhà tổ chức về vấn đề tác quyền tác phẩm. Luật sư Trần Anh Dũng (Đoàn luật sư Hà Nội) phân tích với văn bản này vẫn phải xem lại giá trị pháp lý của hợp đồng này vì không rõ là ủy quyền hay chuyển quyền sử dụng, đối tượng chuyển quyền sử dụng cũng không rõ là bài hát hay bản ghi âm. Đặc biệt, những bài hát này dù với ca sĩ đó, bản phối đó lên sân khấu biểu diễn thì sẽ vẫn phải đóng tác quyền.

Dẫn dụ các vụ việc để thấy khi mà các quy định về thực thi tác quyền đã được ban hành thì muôn kiểu vi phạm quyền tác giả vẫn diễn ra ngày càng tinh vi hơn. Không mấy vụ việc được đưa ra phân xử tại tòa để rồi người chịu thiệt thòi nhất là tác giả - người sáng tạo ra các tác phẩm đó.

"Theo số liệu khảo sát của WIPO (Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới) về đóng góp kinh tế của các ngành công nghiệp dựa vào bản quyền, tại Mỹ đóng góp này chiếm khoảng 11,99% GDP; tại Hàn Quốc là 9,89% GDP; tại các nước đang phát triển như Trung Quốc, đóng góp này chiếm khoảng 7,35% GDP, Malaysia là 5,7% và Thái Lan: 4.48% GDP.

Trong thời gian qua, Bộ VHTT&DL đã hoàn thành việc xây dựng và trình các cấp có thẩm quyền hồ sơ đề xuất gia nhập 2 Hiệp ước về Internet của WIPO là Hiệp ước về quyền tác giả (WCT) và Hiệp ước về cuộc biểu diễn và bản ghi âm (WPPT). Việt Nam đã nộp hồ sơ và vừa trở thành thành viên của Hiệp ước WCT từ ngày 17/2/2022 và sẽ là thành viên của Hiệp ước WPPT từ ngày 1/7/2022." - Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Đoàn Văn Việt

"Mỗi năm, Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam (VLCC) cùng các đối tác khai thác hơn 800 tác phẩm văn học trên các ấn phẩm truyền thống; trung bình mỗi năm giải quyết từ 10 - 12 vụ vi phạm bản quyền văn học. Hiện VLCC có hơn 1.300 thành viên, trong đó có hơn 480 tác giả không là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.

Trên môi trường sách giấy rất khó phát hiện vì rất tản mát, không tập trung, dễ bị người vi phạm lẩn tránh, giấu giếm. Nhưng trên môi trường internet, mọi vấn đề đều trên một mặt phẳng; với một phần mềm được cài đặt nhằm đối soát hay kiểm soát tổng thể, chúng ta có thể dễ dàng quét kiểm tra định kỳ hoặc quét bất thường để tìm ra những vi phạm." - Nhà văn Đỗ Hàn - Giám đốc Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam

(Còn nữa)

   

kinhtedothi

https://nguoihanoi.com.vn/thuc-thi-ban-quyen-tac-pham-nhung-van-de-noi-com-tu-thuc-tien_272753.html

">

Đã đăng bởi Sức Khỏe Việt trong mục Tin tức
921 lượt xem

Bài liên quan

00:00 Thịnh hành Hà Nội đầu tư tốt nhất cho lĩnh vực y tế

Hà Nội đầu tư tốt nhất cho lĩnh vực y tế

3170 lượt xem
00:00 Thịnh hành Vai trò của thuốc Nam trong y học hiện đại

Vai trò của thuốc Nam trong y học hiện đại

5957 lượt xem