Chế độ cho người trông coi di tích: Bảo đảm quyền lợi, gia tăng trách nhiệm

Việc chăm sóc, bảo vệ di tích trên địa bàn Hà Nội lâu nay có công sức không nhỏ của đội ngũ thường trực, những cụ từ, thủ nhang tại đình, đền, miếu… Song, vì nhiều nguyên nhân, chế độ đãi ngộ dành cho họ còn hạn chế.

Đã đến lúc cần có sự quan tâm thiết thực hơn đến nhóm đối tượng này, nhằm bảo đảm quyền lợi cũng như gia tăng trách nhiệm, qua đó nâng cao hơn nữa hiệu quả quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di tích.

Chế độ cho người trông coi di tích: Bảo đảm quyền lợi, gia tăng trách nhiệm

Các cụ thủ từ trông coi đền Nội thôn Bình Đà, xã Bình Minh (Thanh Oai) luôn nhiệt tình, tận tâm với việc làng giao phó.

Trông vào sự nhiệt tình, tận tâm cống hiến

Đảm nhận trách nhiệm trông coi cụm di tích đình, đền, miếu của làng Yên Bồ, xã Vật Lại, huyện Ba Vì, gần 10 năm qua, ông Chu Đình Chúc (67 tuổi) luôn tận tâm với phần việc được người làng, người xã giao phó. Ông thường xuyên túc trực tại di tích, lo quét dọn, đèn nhang, giúp đỡ, hướng dẫn người dân địa phương và du khách khi đến dâng hương, lễ thánh… Với trọng trách này, ông Chúc được địa phương hỗ trợ 50 nghìn đồng/tháng. Số tiền này quá ít ỏi so với công sức, trách nhiệm người trông coi di tích.

Cũng như ông Chúc, ông Nguyễn Chính Chinh đảm nhận việc trông coi di tích đền Nội (thôn Bình Đà, xã Bình Minh, huyện Thanh Oai) nhiều năm qua, với mức hỗ trợ 60 nghìn đồng/tháng. Ông Chinh cho hay, ông làm việc này từ năm 2017 cùng 2 hội viên Hội Người cao tuổi khác. Hằng ngày, ba người cùng chung tay chăm lo, bảo vệ khu di tích, giờ ăn cũng thay phiên nhau, bảo đảm luôn có người túc trực. “Hỗ trợ nhiều, ít không quan trọng bằng sự tín nhiệm mà bà con dành cho những người “vác tù và hàng tổng” như chúng tôi. Tôi cũng biết nhiều nơi do khó khăn, rồi cả vì thiếu quan tâm mà người trông coi, bảo vệ di tích vẫn chưa được động viên, khích lệ khi tham gia công tác này”, ông Nguyễn Chính Chinh bày tỏ.

Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Ba Vì Lê Khắc Nhu cho biết, số di tích trên địa bàn huyện có người trông coi được hỗ trợ chế độ chưa nhiều. Chưa kể, mức hỗ trợ còn khá thấp so với công sức họ bỏ ra; việc hỗ trợ vẫn phụ thuộc vào nguồn lực xã hội hóa. Lý do là bởi điều kiện kinh tế địa phương còn khó khăn, số di tích lại lớn (394 di tích), gây thiệt thòi cho nhóm đối tượng này.

Còn theo Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Thanh Oai Trần Văn Lợi, ngoài khó khăn về kinh tế thì về mặt pháp lý đến giờ vẫn chưa có cơ chế, chính sách cho vấn đề này, nên địa phương không biết thực hiện thế nào. Trong khi đó, theo cán bộ phụ trách văn hóa tại nhiều huyện, thị xã, chế độ ít ỏi, nơi có nơi không, khiến địa phương không thể đòi hỏi những điều kiện cơ bản từ người trông coi di tích, như: Có sức khỏe tốt, có hiểu biết về di tích cũng như kiến thức bảo quản hiện vật..., và khi xảy ra hư hỏng, mất mát, khó ràng buộc trách nhiệm.

Nâng cao hiệu quả bảo tồn từ cơ chế đãi ngộ

Di tích là tài sản chung của cộng đồng, nơi lưu giữ tinh hoa văn hóa của cha ông cũng như mang ý nghĩa bồi đắp, làm giàu đời sống tinh thần, tín ngưỡng cho nhân dân. Tuy vậy, do nhiều yếu tố, việc gìn giữ, bảo vệ, phát huy giá trị di tích còn nhiều thách thức, trong đó có những khó khăn ngay từ cơ sở.

Theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương, việc chăm lo đời sống cho nhóm đối tượng trông coi di tích, ngoài ý nghĩa tri ân, còn là một trong những giải pháp nâng cao hiệu quả bảo tồn, phát huy giá trị di sản. “Họ là những người “sát sườn” với di sản. Khi ngói đình, chùa xô dạt, họ là người cấp báo và có biện pháp khắc phục kịp thời, không để xuống cấp nặng nề hơn. Họ cũng là "lá chắn" ngăn ngừa nạn trộm cắp cổ vật. Bảo đảm quyền lợi, cùng với việc chăm lo đời sống cho nhóm đối tượng này còn là nhằm gia tăng trách nhiệm gìn giữ, bảo vệ di sản”, ông Hoàng Đạo Cương nhấn mạnh.

Còn theo nhà nghiên cứu di sản văn hóa Trần Lâm Biền, bên cạnh chế độ đãi ngộ hợp lý, cần có những chương trình tập huấn, trang bị kiến thức bảo vệ, giữ gìn di sản cho lực lượng này cũng như thường xuyên tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, huy động sự tham gia của cộng đồng trong công tác bảo tồn di sản.

Liên quan đến vấn đề trên, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết, thành phố đã giao Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội nghiên cứu những kiến nghị từ các quận, huyện, thị xã, từ đó xác định cơ chế hỗ trợ công tác quản lý, bảo vệ di tích, tham mưu xây dựng chế độ đãi ngộ cho nhóm người trông coi di tích và kinh phí bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ trực tiếp tham gia hoạt động bảo tồn, tôn tạo di tích.

“Đây là một trong bốn nhiệm vụ trọng tâm mà UBND thành phố giao cho ngành Văn hóa Thủ đô, nhằm nâng cao hiệu quả bảo tồn, phát huy giá trị di tích trong thời gian tới”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng nhấn mạnh.

   

Hanoimoi

https://nguoihanoi.com.vn/che-do-cho-nguoi-trong-coi-di-tich-bao-dam-quyen-loi-gia-tang-trach-nhiem_272767.html

Đã đăng bởi Sức Khỏe Việt trong mục Tin tức
4886 lượt xem

Bài liên quan

00:00 Thịnh hành Dịch sởi có nguy cơ bùng phát trong năm 2024

Dịch sởi có nguy cơ bùng phát trong năm 2024

3089 lượt xem