Đề án 5 huyện phát triển thành quận TP Hà Nội: Đan Phượng đã đạt 22/27 tiêu chí

Ngày 24/12, tại cuộc họp trực tuyến “Ban Chỉ đạo xây dựng, phát triển 5 huyện thành quận của TP Hà Nội”, ông Nguyễn Hữu Hoàng - Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng cho biết, tính đến ngày 23/12/2021, huyện đạt 22/27 tiêu chí thực hiện đầu tư xây dựng huyện thành quận.

Đã đạt 22/27 tiêu chí

Báo cáo Ban Chỉ đạo xây dựng, phát triển 5 huyện thành quận của TP Hà Nội, Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Hữu Hoàng cho biết: Tại thời điểm phê duyệt Đề án, huyện đã đạt 20/27 tiêu chí. Còn 7 tiêu chí chưa đạt. Đến ngày 23/12/2021, huyện đạt thêm 2 tiêu chí (Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp,Tỷ lệ đường đô thị được chiếu sáng), 1 tiêu chí chưa đạt (Cơ sở y tế cấp đô thị; do cách tính mới không tính gường bệnh tại các trạm y tế và trung tâm y tế huyện).

Đề án 5 huyện phát triển thành quận TP Hà Nội: Đan Phượng đã đạt 22/27 tiêu chíÔng Nguyễn Hữu Hoàng, Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng báo cáo tại điểm cầu UBND huyện.

Đến nay, huyện còn 6 tiêu chí chưa đạt gồm: Cân đối thu chi ngân sách mới đạt khoảng 23,2% (tiêu chuẩn có dư); Mật độ đường giao thông đô thị đạt 9,19 km/km2 (tiêu chuẩn ≥ 10km/km2); Cơ sở y tế cấp đô thị đạt 1,58 giường/1000 dân (tiêu chuẩn ≥ 2,4 giường/1000 dân); Tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật đạt 4,06% (tiêu chuẩn ≥ 50%); Đất cây xanh công cộng trên địa bàn đạt 2,05 m2/người (tiêu chuẩn 6m2/người);  Tỷ lệ tuyến phố văn minh đô thị tính trên tổng số trục phố chính: 0 (tiêu chuẩn ≥60%).

Về tình hình thực hiện các tiêu chí của các xã, thị trấn lên phường, huyện đã chỉ đạo xã, thị trấn hoàn thành xây dựng Đề án xây dựng xã thành phường và tích cực triển khai thực hiện; Chỉ đạo xây dựng Chương trình nông thôn mới theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện và Chương trình 04 của Thành ủy. Đến hết năm 2020, 15/15 (100%) xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Dự kiến năm 2021, có 5 xã Đan Phượng, Song Phượng, Tân Hội, Liên Hà, Thọ Xuân đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu trong đó xã Đan Phượng đạt xã nông thôn mới kiểu mẫuThủ đô. Trong quá trình triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới, huyện lồng ghép các tiêu chí nông thôn mới gắn với tiêu chí đô thị như đường giao thông, trường học, phát triển kinh tế... nhằm đáp ứng tiêu chí xây dựng xã thành phường.

Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng cũng nêu một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Đề án. Theo đó, hiện nay quy hoạch vùng huyện (phía Tây Vành đai 4) chưa được xây dựng. Bên cạnh đó, nguồn lực đầu tư cần nhiều, trong khi đó nguồn thu của huyện chưa đáp ứng được yêu cầu.

Về nguyên nhân, do quy hoạch vùng huyện phụ thuộc điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô nên chưa có hướng dẫn cụ thể. Thu ngân sách phục vụ xây dựng hạ tầng kỹ thuật gặp khó khăn do đấu giá quyền sử dụng đất đất gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Đề án 5 huyện phát triển thành quận TP Hà Nội: Đan Phượng đã đạt 22/27 tiêu chí Đường bích họa tại địa bàn huyện Đan Phượng.

Các cụm công nghiệp trên địa bàn huyện (trừ Cụm công nghiệp thị trấn Phùng) diện tích nhỏ, các doanh nghiệp trong cụm chủ yếu mang tính chất hộ là chính do đó nguồn thu từ thuế còn ít. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp lớn thuê đất sản xuất kinh doanh trên địa bàn huyện nhưng nộp thuế ở nơi khác chưa thực hiện kê khai và nộp thuế tại huyện (hiện tại có 29 doanh nghiệp).

Cùng với đó, do việc bất cập thay đổi chính sách GPMB qua các thời kỳ nên khó khăn công tác GPMB. Khó khăn về nguồn thu được hưởng theo tỷ lệ phân cấp ngân sách quy định phân cấp cho huyện còn thấp (các khoản thu thuế công thương nghiệp ngoài quốc doanh, thu nhập cá nhân, lệ phí trước bạ ô tô xe máy huyện chỉ được hưởng điều tiết 35%).

Hệ thống giao thông chưa đồng bộ, chưa đảm bảo kết nối vùng, khu vực. Hiện nay tiêu chí mật độ giao thông đô thị của huyện mới đạt 9,19 km/km2 (tiêu chuẩn quận là ≥ 10km/km2) còn thiếu khoảng 63,136 km đường giao thông đô thị được xây mới để đáp ứng tiêu chuẩn quận.

Diện tích tự nhiên của huyện là 7.782 ha, trong đó diện tích mặt nước sông Hồng và sông Đáy là hơn 1.000 ha do vậy khó bố trí đất giao thông, cây xanh công cộng theo tiêu chuẩn; Việc triển khai các dự án xử lý nước thải gặp nhiều khó khăn do thiếu nguồn lực, kêu gọi nhà đầu tư thực hiện xã hội hóa đầu tư các trạm xử lý nước thải.

Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Hữu Hoàng cho biết: Nhiệm vụ năm 2022 và các năm tiếp theo, huyện tập trung lãnh đạo chỉ đạo, huy động mọi nguồn lực, phát huy sức mạnh cả hệ thống chính trị từ huyện đến xã tập trung phấn đấu xây dựng huyện Đan Phượng thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu gắn với xây dựng huyện thành quận. Giữ vững và nâng cao các tiêu chí đô thị đã đạt được, hoàn thiện các tiêu chí chưa đạt tiêu chuẩn thành lập quận, phường như tập trung công tác đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đáp ứng tiêu chí đô thị, xây dựng trường phổ thông liên cấp. Cải thiện môi trường đầu tư cho các doanh nghiệp… Cùng với đó, triển khai thực hiện kế hoạch kinh tế xã hội, kế hoạch đầu công trung hạn 5 năm giai đoạn 2021-2025, Dự toán thu chi ngân sách năm 2022, kế hoạch đầu tư công năm 2022, Đề án tạo nguồn thu, tăng cường quản lý thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn huyện đến năm 2025.

Đề xuất 5 nhóm nội dung

Để phấn đấu hết năm 2025, huyện Đan Phượng đáp ứng tiêu chuẩn thành lập quận theo chỉ đạo của Thành phố; đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án trên địa bàn, hoàn thiện tiêu chí hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, UBND huyện Đan Phượng đề nghị UBND Thành phố 5 nhóm nội dung về: quy hoạch, cân đối ngân sách, tiêu chí giao thông, tiêu chí tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật và tiêu chí Cơ sở y tế cấp đô thị.

Đề án 5 huyện phát triển thành quận TP Hà Nội: Đan Phượng đã đạt 22/27 tiêu chí Tổ công tác kiểm tra thực hiện cuộc thi 'Giữ gìn tổ dân phố sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn

Đối với quy hoạch: Quy hoạch vùng huyện triển khai còn mất nhiều thời gian do chờ điều chỉnh chung Quy hoạch Thủ đô, trong khi đó nhu cầu đầu tư các dự án của huyện để đạt tiêu chí lên quận rất nhiều, do đó đề nghị Thành phố chấp thuận huyện điều chỉnh quy hoạch nông thôn mới bổ sung các tuyến đường chưa có trong quy hoạch và các công trình như trường học, trạm xử lý nước thải… sau này sẽ cập nhật bổ sung vào quy hoạch vùng huyện.

Sớm phê duyệt Kế hoạch lập các đồ án quy hoạch giai đoạn 2021-2025, UBND huyện đã có Công văn số 1633/UBND-QLĐT ngày 01/10/2020 gửi Sở Quy hoạch Kiến trúc tổng hợp; để huyện có cơ sở triển khai lập quy hoạch chi tiết 1/500 và tổ chức đấu giá tạo nguồn tại các ô đất chức năng đô thị thuộc quy hoạch phân khu đô thị S1 (A6, A7, A3 diện tích khoảng 170 ha) và khu Y tế, giáo dục tập trung (diện tích khoảng 255ha); Xem xét bổ sung quy hoạch Cụm công nghiệp Phương Đình diện tích 50ha, cụm công nghiệp Hồng Hà diện tích 74 ha, trung tâm Logistic tại xã Đồng Tháp.

Đối với cân đối ngân sách: Đề nghị Cục Thuế Thành phố chủ trì giao huyện thu thuế đối với 29 doanh nghiệp đang hoạt động và sản xuất kinh doanh thuê đất tại huyện Đan Phượng.

Về tiêu chí giao thông: Ưu tiên bố trí vốn năm 2022, 2023 đối với các dự án dự kiến trong kế hoạch đầu tư công 2021-2025 của Thành phố (như đường Tỉnh lộ 417 (TL83 cũ) đoạn K3+700 đến Km 6+200 huyện Đan Phượng, Cải tạo nâng cấp đường TL 422, Cải tạo, nâng cấp đê Tả Đáy huyện Đan Phượng kết nối đê tả Đáy huyện Hoài Đức, Đường Tây Thăng Long đoạn từ vành đai 3,5 đến đường kênh Đan Hoài...) khi thực hiện xong công tác chuẩn bị đầu tư.

Đề nghị Thành phố bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và giao huyện làm chủ đầu tư các dự án giao thông khung chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư.

Đối với tiêu chí tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật: Đề nghị UBND Thành phố xem xét, cập nhật Dự án trạm xử lý nước thải Tân Hội theo Chương trình 03-CTr/TU của Thành ủy vào kế  hoạch đầu tư công trung hạn cấp Thành phố hoặc kêu gọi xã hội hóa đầu tư; Đề nghị UBND TP chấp thuận cho phép nghiên cứu triển khai 3 trạm xử lý nước thải cục bộ với công suất khoảng 5000m3/ngày đêm phía tây đường Vành đai 4 để đảm bảo xử lý nước thải theo cụm xã, giảm chi phí xây dựng hệ thống thu gom, phù hợp quy hoạch thoát nước tại địa phương để cập nhật vào quy hoạch vùng huyện.

Đối với tiêu chí Cơ sở y tế cấp đô thị: Đề nghị UBND Thành phố xem xét giao cho UBND huyện Đan Phượng làm chủ đầu tư Dự án xây dựng Bệnh viện đa khoa huyện (khu mới) để đẩy nhanh tiến độ dự án; Sớm triển khai đầu tư xây dựng 02 Bệnh viện chuyên khoa cấp Thành phố (Bệnh viện RHM Hà Nội quy mô 250 giường bệnh và Bệnh viện TMH Hà Nội quy mô 250 giường trên địa bàn huyện Đan Phượng) theo Quyết định số 2813/QĐ-UBND ngày 21/6/2012 của UBND TP Hà Nội về việc Phê duyệt quy hoạch phát triển hệ thống y tế TP Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Ngoài ra, huyện Đan Phượng cũng đề nghị Thành phố có cơ chế đặc thù hỗ trợ huyện thành Quận cùng với xây dựng xã nông thôn kiểu mẫu, huyện nông thôn mới nâng cao để huyện chủ động đầu tư chỉnh trang đường giao thông; Đề nghị Sở Xây dựng có hướng dẫn cách tính các tiêu chí đô thị đối với vùng đất bãi, mặt nước sông Hồng, sông Đáy, tiêu chí cây xanh; Đề nghị Sở Nội vụ giúp huyện tổ chức các lớp tập huấn cho đội ngũ cán bộ huyện, xã để nâng cao trình độ chuyên môn quản lý đô thị để đáp ứng yêu cầu huyện Đan Phượng trở thành quận; Rà soát các Khu đô thị trên địa bàn huyện đã được giao chủ đầu tư nhưng tiến độ triển khai rất chậm như Khu đô thị Bình Minh, Khu đô thị Hồng Thái, Khu đô thị Tân Lập... Nếu các chủ đầu tư không đủ năng lực thì đề nghị Thành phố lựa chọn chủ đầu tư khác triển khai đảm bảo tiến độ; Sớm phê duyệt danh mục và bổ sung vốn các dự án sử dụng vốn sự nghiệp ngân sách Thành phố hỗ trợ cho các huyện để thực hiện Đề án xây dựng huyện thành quận (huyện đã có Tờ trình số 102/TTr-UBND ngày 14/4/2021; Sở Tài chính có Tờ trình 5825/TTr-STC ngày 16/9/2021).

Link nguồn: https://nguoihanoi.com.vn/de-an-5-huyen-phat-trien-thanh-quan-tp-ha-noi-dan-phuong-da-dat-22-27-tieu-chi_270857.html

Đã đăng bởi Sức Khỏe Việt trong mục Tin tức
4806 lượt xem

Bài liên quan

00:00 Thịnh hành Dịch sởi có nguy cơ bùng phát trong năm 2024

Dịch sởi có nguy cơ bùng phát trong năm 2024

3271 lượt xem