Thí điểm xe dán thẻ thu phí mới được đi cao tốc: Còn nhiều băn khoăn

Tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng sẽ là tuyến đầu tiên được chọn là nơi thí điểm chỉ thu phí tự động không dừng, không thu phí thủ công. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều về chủ trương này.

Được nhiều lợi ích

Trên các tuyến cao tốc hiện nay, làn thu phí không dừng (ETC) khá vắng vẻ, trong khi đó những làn còn lại hầu như trong tình trạng kẹt cứng. Đơn cử như tại cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, sau hơn 1 năm triển khai, tỷ lệ phương tiện sử dụng dịch vụ ETC mới chỉ chiếm khoảng 40% lưu lượng phương tiện qua trạm. Đặc biệt, các trạm thu phí đều có làn hỗn hợp, nhưng tình trạng ùn tắc vẫn xảy ra.

Thí điểm xe dán thẻ thu phí mới được đi cao tốc: Còn nhiều băn khoăn

Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng được chọn làm tuyến đường để thí điểm chủ trương chỉ xe dán thẻ ETC mới được lưu thông. Ảnh: Hòa Thắng

Thống kê từ đầu năm đến nay, lưu lượng xe sử dụng làn thu phí không dừng (ETC) tại cao tốc Hà Nội - Hải Phòng chỉ chiếm khoảng 30% tổng lưu lượng, nhiều xe có dán thẻ nhưng khi sử dụng lại hết tiền, thẻ bị hỏng, lỗi, dán sai vị trí không đọc được thẻ, xe không dán thẻ đi nhầm làn...

Đại diện Công ty TNHH thu thu phí tự động (VETC) cho biết, điều này là do các làn thu phí đã vận hành hiện vẫn chưa phải là thuần ETC. Nhiều phương tiện chưa dán thẻ, thấy làn vắng xe nên đi vào khiến cho các xe đã dán thẻ nhưng không lưu thông được.

Để giảm thiểu tình trạng này và thúc đẩy lượng người dùng, từ 1/4/2022, tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng sẽ được chọn triển khai thí điểm thu phí tự động không dừng, không có thu phí thủ công. Chỉ có phương tiện dán thẻ và nạp tiền sử dụng dịch vụ mới được lưu thông trên tuyến đường này.

Theo đại diện VETC, nếu thực hiện được thu phí không dừng toàn tuyến sẽ giúp doanh nghiệp giảm được nhiều chi phí, giảm tình trạng ùn tắc tại các trạm và cũng là biện pháp phòng chống dịch bệnh COVID-19 rất hữu ích.

Đặc biệt, trong trường hợp khả thi hơn, cách làm này sẽ được nhân rộng ra các tuyến cao tốc trên cả nước, nhất là đối với tuyến cao tốc Bắc - Nam. Đây sẽ là bước đột phá trong chiến lược triển khai thu phí không dừng toàn tuyến trên các cao tốc thời gian tới.

Thí điểm xe dán thẻ thu phí mới được đi cao tốc: Còn nhiều băn khoăn

Hiện tỉ lệ phương tiện trả phí BOT bằng hình thức thủ công vẫn còn khá lớn. Ảnh: Lê Anh

Doanh nghiệp vận tải và chủ xe lo lắng

Bên cạnh những ý kiến ủng hộ, vẫn còn khá nhiều DN vận tải và chủ phương tiện tỏ ra băn khoăn trước việc thí điểm xe dán thẻ thu phí mới được đi vào cao tốc. Phần đông ý kiến cho rằng, thực hiện chủ trương không cho xe chưa dán thẻ thu phí ETC đi vào cao tốc thời điểm này là chưa phù hợp.

Anh Phạm Mạnh (SN 1995, quê Thái Bình) cho hay, thu phí tự động là cần thiết, thu được nhiều lợi ích nhưng bản thân ít khi ra khỏi tỉnh nên không muốn dán thẻ thu phí tự động. Bởi vậy, anh Mạnh cho rằng phải cần có làn dành riêng cho xe trả tiền mặt.

Lãnh đạo Tổng công ty Phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) - đơn vị quản lý tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng cho biết, tại các trạm thu phí cao tốc Hà Nội - Hải Phòng có nhiều chủ phương tiện cả năm mới đi một lần và không biết nạp tiền, dán thẻ ở đâu. Còn tình trạng xe không đủ tiền trong tài khoản vẫn lưu thông qua trạm và nhiều xe đã dán thẻ nhưng hệ thống không đọc được và barie không mở.

Lãnh đạo VIDIFI cũng cho rằng, khi giải quyết được bài toán tổng thể về các vướng mắc hiện nay, nâng tỷ lệ người dùng lên thì việc cao tốc có 100% thu phí không dừng mới khả thi.

Trong khí đó, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Quyền khẳng định, thu phí không dừng giúp lưu thông nhanh hơn và giảm chi phí vận tải. Tuy nhiên ông Quyền cho rằng, thu phí không dừng hiện chỉ cho phép hình thức trả trước, chủ phương tiện nạp tiền vào tài khoản giao thông của nhà cung cấp dịch vụ và lưu thông qua trạm.

Theo ông Nguyễn Văn Quyền, hiện nhiều doanh nghiệp vận tải gặp khó khăn do dịch bệnh nên không có điều kiện ứng tiền để trả trước. Vì vậy, cần có thêm hình thức trả sau để cho người dân và doanh nghiệp lựa chọn.

Đồng thời, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam đề nghị cần có giải pháp kết nối giữa tài khoản giao thông và tài khoản ngân hàng, khi xe qua trạm sẽ trả tiền trực tiếp từ tài khoản ngân hàng mà không cần tài khoản giao thông, giải quyết được thắc mắc về lãi suất.

"Đây là biện pháp hành chính để thúc đẩy tỷ lệ người dùng dịch vụ nhưng cần nghiên cứu tác động mặt trái của việc thí điểm", ông Quyền nói và cho rằng nếu chỉ cho phép phương tiện dán thẻ đi vào cao tốc, nhiều phương tiện khác dồn sang các tuyến đường khác sẽ gây nên tình trạng quá tải, ùn tắc.

Thí điểm xe dán thẻ thu phí mới được đi cao tốc: Còn nhiều băn khoăn

Cần có giải pháp tăng lượng phương tiện dán thẻ ETC. Ảnh: Lê Thanh

Đâu là giải pháp?

Ông Bùi Trình - Tổng Giám đốc Công ty CP Giao thông số Việt Nam (VDTC), đơn vị đầu tư dự án thu phí không dừng cho rằng, để thu phí tự động không dừng thực sự phát huy hiệu quả, cơ quan nhà nước có thẩm quyền tăng cường giám sát, xử phạt đối với các chủ phương tiện không đủ điều kiện, không dán thẻ lưu thông qua các làn thu phí không dừng.

Ngoài ra, Bộ GTVT cần sớm ban hành các bộ tiêu chuẩn về vận hành, khai thác để đảm bảo sự hoạt động ổn định, đồng bộ từ trạm lên Trung tâm tính cước còn các nhà đầu tư BOT, nhà cung cấp dịch vụ thu phí phải tuân thủ các quy trình vận hành, theo dõi thường xuyên hệ thống và duy trì vận hành ổn định...

Trước những băn khoăn về việc thí điểm chỉ cho xe dán thẻ ETC đi vào cao tốc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Mạnh Thắng cho hay, Tổng cục sẽ chỉ đạo các nhà cung cấp dịch vụ ETC tập trung tuyên truyền nâng cao ý thức người dân dán thẻ và sử dụng thu phí không dừng. Trong đó, sẽ đẩy mạnh tuyên truyền về xử phạt xe không đủ điều kiện đi vào làn không dừng theo Nghị định 100.

Trong khi đó, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ Vũ Ngọc Oánh hiến kế để tăng lượng phương tiện dán thẻ thu phí không dừng trong thời gian tới. Theo đó, ngoài giải pháp tuyên truyền, ông Oánh cho biết Nhà nước có thể dùng "đòn bẩy" là chính sách hỗ trợ giá để khuyến khích người dùng. Chính phủ hỗ trợ chủ phương tiện dùng ETC bằng 2 - 3% giá vé trong một thời gian nhất định.

Nguồn hỗ trợ này được lấy từ nguồn ngân sách Nhà nước. Cùng với đó phải tăng cường việc xử phạt đối với chủ phương tiện không đủ điều kiện thu phí không dừng và đi sai làn.

   

KTĐT

https://nguoihanoi.com.vn/thi-diem-xe-dan-the-thu-phi-moi-duoc-di-cao-toc-con-nhieu-ban-khoan_270671.html

Đã đăng bởi Sức Khỏe Việt trong mục Tin tức
1405 lượt xem

Bài liên quan

00:00 Thịnh hành Dịch sởi có nguy cơ bùng phát trong năm 2024

Dịch sởi có nguy cơ bùng phát trong năm 2024

2574 lượt xem