Cơ hội để ngành Hàng không phục hồi?

Sau 2 năm liên tục tàn phá nền kinh tế thế giới, dịch bệnh Covid-19 đã bắt đầu từng bước được kiểm soát tại nhiều nơi trên thế giới nhờ chiến dịch tiêm chủng vaccine trên diện rộng.

Đây cũng sẽ là tiền đề quan trọng để nhiều ngành kinh tế mũi nhọn được phục hồi, trong đó có kinh tế hàng không - một trong những lĩnh vực chịu sự tàn phá ghê gớm nhất của Covid-19.Lâm nguy

Đây là cụm từ đã được các chuyên gia, nhà kinh tế nói đến rất nhiều về ngành Hàng không Việt Nam trong thời gian qua, khi đã và đang phải trải qua đợt bùng phát thứ 4, cũng là đợt bùng phát lớn nhất, kéo dài nhất và gây ra hậu quả khủng khiếp nhất. Báo cáo mới nhất về tình hình phát triển DN năm 2020 và 5 tháng đầu năm 2021 của Bộ KH&ĐT đã đưa ra những con số rất ảm đạm về thị trường hàng không, trong đó, nhu cầu vận tải hàng không năm 2020 giảm 34,5 - 65,9%, doanh thu các DN hàng không giảm 61% so với năm 2019. Đến năm 2021, đợt bùng phát lần thứ 3 của Covid-19 diễn ra vào dịp Tết năm 2021 tiếp tục khiến doanh thu ngành hàng không giảm 80% so với cùng kỳ năm 2020. Dự báo hoạt động vận tải hàng không tiếp tục gặp khó trong năm 2021. Nếu dịch Covid-19 được kiềm chế, phải đến năm 2024 hoạt động ngành hàng không mới có thể phục hồi như trước dịch bệnh.

Cơ hội để ngành Hàng không phục hồi? 

Hàng không Việt Nam gặp khó khăn trong dịch Covid-19. Ảnh: Tuấn Anh

Trong số những DN hàng không Việt Nam hiện nay, Vietnam Airlines chính là hãng bay bị thiệt hại lớn nhất. Số lỗ trong 6 tháng đầu năm 2021 khoảng 10.000 tỷ đồng. Hiện số nợ phải trả quá hạn của Vietnam Airlines lên tới 6.240 tỷ đồng, tổng công ty này đang cực kỳ khó khăn, bên bờ vực phá sản trong khi các ngân hàng thương mại chưa nhìn thấy giải ngân gói hỗ trợ 12.000 tỷ đồng của Chính phủ nên không cho Vietnam Airlines giải ngân tiếp hoặc không gia hạn, cấp tiếp hạn mức tín dụng. Các hãng hàng không tư nhân khác như Vietjet Air, Bamboo Airways cũng không khá hơn. Dù tất cả đã cố gắng tối ưu hóa hoạt động khai thác và duy trì sản xuất kinh doanh thông qua việc chuyển nhượng các tài sản trong năm 2020 nhưng vẫn không tránh khỏi sự tàn phá ghê ghớm của Covid-19. Dự báo hoạt động của 2 hãng bay tư nhân này tiếp tục khó khăn trong năm 2021, các hãng dẫn hết nguồn lực tài chính để hỗ trợ dịch vụ vận tải hàng không. Ước tính hãng bay Vietjet Air thiếu hụt khoảng 10.000 tỷ đồng để hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh.

TS Bùi Doãn Nề - Tổng Thư ký Hiệp hội Hàng không Việt Nam cho biết, vào thời điểm đầu năm 2021, Hiệp hội đã đưa ra con số dự báo doanh thu của các hãng hàng không sẽ giảm sâu so với năm 2019 và lỗ trên 15.000 tỷ đồng từ mảng vận tải. Tuy nhiên, với những diễn biến phức tạp của dịch bệnh trong thời gian qua, đặc biệt là đợt bùng phát thứ 4 mới đây, chắc chắn con số dự báo lỗ của các hãng hàng không trên thực tế sẽ lớn hơn rất nhiều. Tình trạng ảm đạm đến mức, ngay cả “cánh chim đầu đàn” của hàng không Việt Nam là Vietnam Airlines cũng đang được cho là đứng trước bờ vực phá sản do số nợ quá hạn quá cao và rủi ro trong việc không cân đối trả các khoản vay ngắn hạn đến hạn tại các ngân hàng.

Khó trụ vững nếu tiếp tục dừng bay

Tình trạng kiệt quệ của các DN hàng không hiện nay chính là hệ quả được báo trước sau một thời gian dài hứng chịu những đợt bùng phát liên tục của Covid-19. Mỗi lần dịch bệnh này bùng phát lại có thêm nhiều đường bay nội địa tạm dừng hoạt động, nhu cầu đi lại của hành khách lại sụt giảm một cách ghê gớm. Riêng đường bay quốc tế đã bị đóng băng ngay từ đầu năm 2020 đến nay. Bất chấp hàng loạt giải pháp “tự cứu” của chính những DN hàng không cũng như những gói cứu trợ đến từ Chính phủ trong thời gian qua vẫn không thể ngăn chặn được cơn khủng hoảng kéo dài và đà suy thoái ngày càng mạnh của kinh tế hàng không. Các chuyên gia cho rằng, những giải pháp được áp dụng trong thời gian qua chỉ có tác dụng ngắn hạn và không mang đến hiệu quả lớn. Điều mà các DN hàng không cần nhất chính là được bay. Chỉ có nối lại các đường bay mới giúp kinh tế hàng không phục hồi trở lại và cũng là một cách giảm sức ép cho cả nền kinh tế đất nước.

“Hàng không đang đối mặt với những ngày vô cùng khó khăn. Các DN đều đang rất hy vọng vào cao điểm hè để có thêm lực vượt qua đại dịch. Tuy nhiên, đến thời điểm này khó có thể trông chờ gì” - Tổng thư ký Hiệp hội Hàng không Việt Nam, TS Bùi Doãn Nề thẳng thắng nói về bức tranh kinh tế ảm đạm của ngành Hàng không Việt Nam vào thời điểm này.

TS Bùi Doãn Nề cho biết thêm, đợt dịch lần thứ 3 và thứ 4 bùng phát gây thiệt hại nặng nề cho ngành hàng không. Gần 80 - 90% số lượng máy bay phải nằm lại sân bay. Doanh thu hàng không chỉ đạt 10 - 12% so với cùng kỳ năm trước. Các DN đang cố gắng chủ động chuyển đổi sang vận chuyển hàng hóa, vật tư y tế, hàng hóa cứu trợ để bù lại phần chuyên chở hành khách bị sụt giảm.

Cơ hội phục hồi vẫn “sáng cửa”

PGS.TS Nguyễn Thiện Tống - chuyên gia hàng không cho rằng, những con số thống kê về thiệt hại của ngành Hàng không cho thấy, sức chịu đựng của các DN hàng không đã tới hạn và đây là lúc cần đưa ra những giải pháp khẩn cấp để giải cứu triệt để trước khi các DN không còn trụ vững được. PGS.TS Nguyễn Thiện Tống cho rằng, triển khai tiêm vaccine trên diện rộng và xem xét sử dụng hộ chiếu vaccine chính là “liều thuốc” để kinh tế hàng không được phục hồi. “Tôi đã nói rất nhiều lần về vấn đề này. Kinh tế hàng không chỉ có thể phục hồi khi nào các DN hàng không được cất cánh trở lại. Hiện nay, hầu hết đường bay cả quốc tế và nội địa đều đã dừng. Đối với các DN hàng không, việc dừng bay chẳng khác nào rút ống thở của họ. Họ phải được bay và hộ chiếu vaccine chính là cách duy nhất để nối lại các đường bay” - chuyên gia Nguyễn Thiện Tống khẳng định.

Đồng quan điểm, PGS.TS Ngô Trí Long - chuyên gia kinh tế cho rằng, trong số các lĩnh vực chịu thiệt hại bởi Covid-19, hàng không chính là một trong những lĩnh vực cần được ưu tiên giải cứu nhất. Bởi nếu để các DN hàng không không được cứu kịp thời sẽ kéo theo những hệ quả vô cùng nghiêm trọng đối với nền kinh tế. Đầu tiên là rủi ro về thanh khoản khi các DN hàng không không có đủ tiền để đáp ứng những khoản chi trả gồm có nợ ngắn hạn của ngân hàng, nợ các nhà cung cấp và đặc biệt quan trọng là trả lương cho hàng nghìn lao động. Rủi ro nữa là về kiệt quệ tài chính. Bởi nếu tình trạng kiệt quệ tài chính của DN hàng không không được giải quyết, sẽ để lại hậu quả tái cấu trúc rất tốn kém trong tương lai.

"Cứu các DN hàng không cũng chính là cứu cả nền kinh tế vào lúc này. Với những diễn biến tích cực về công tác tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 trong thời gian qua, cơ hội để kinh tế hàng không sớm phục hồi là tương đối sáng sủa. Thậm chí, khả năng phục hồi của ngành Hàng không nước ta còn cao hơn so với mặt bằng chung của thế giới." - Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Ngô Trí Long

 

KTĐT

http://nguoihanoi.com.vn/co-hoi-de-nganh-hang-khong-phuc-hoi_268254.html

Đã đăng bởi Sức Khỏe Việt trong mục Tin tức
547 lượt xem

Bài liên quan

00:00 Thịnh hành Dịch sởi có nguy cơ bùng phát trong năm 2024

Dịch sởi có nguy cơ bùng phát trong năm 2024

754 lượt xem