Kỳ vọng vào thuốc điều trị Covid-19

Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, cùng với chiến lược vaccine, Việt Nam đã và đang nỗ lực điều trị cho các bệnh nhân Covid-19.

 Hiện tại ở nước ta, chiến lược điều trị bằng các thuốc kháng virus cũng là một trong những giải pháp điều trị bệnh nhân Covid-19. Báo Kinh tế & Đô thị đã trao đổi với Thầy thuốc ưu tú, Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Hồng Hà - Phó Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, xung quanh vấn đề này.

Đa dạng, phong phú thuốc điều trị Covid-19

Hiện nay, việc đưa một số loại thuốc vào điều trị khẩn cấp cho bệnh nhân Covid-19 là tín hiệu đáng mừng trong cuộc chiến chống Covid-19. Thưa ông, thị trường thuốc điều trị Covid-19 ở Việt Nam hiện nay ra sao? Những loại thuốc này có tác dụng như thế nào?

- Giai đoạn đầu chúng ta cũng đã thử nghiệm rất nhiều loại thuốc điều trị Covid-19. Đầu tiên là thuốc điều trị HIV, thuốc ivermectin điều trị chủng giun, lươn… cũng chưa thống nhất tác dụng rõ rệt cho nên hiện tại có những quốc gia đã dùng, có những quốc gia mà Tổ chức Y tế thế giới - WHO khuyến cáo không dùng.

Kỳ vọng vào thuốc điều trị Covid-19 

Thầy thuốc ưu tú, Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Hồng Hà - Phó Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương.

Thuốc Favipiravir là một thuốc kháng virus, được sử dụng lâm sàng từ năm 2014 để điều trị bệnh cúm Nhật Bản, Ebola… Thuốc có cơ chế tác dụng ức chế enzym RNA-polymerase ngăn chặn sự nhân lên của virus. Loại thuốc này cũng đã được sử dụng cho vấn đề điều trị. Nó có tác dụng giảm bớt tải lượng virus, giảm các triệu chứng nặng hoặc các biểu hiện lâm sàng. Hiện nay một số quốc gia Nhật, Ấn Độ… đã dùng.

Gần đây nhất là thuốc Molnupiravir (dạng viên uống), do Mỹ nghiên cứu được thử nghiệm lâm sàng đang thực hiện đến giai đoạn 3. Nó có tác dụng ức chế virus, chưa có biểu hiện gì gọi là an toàn hay độc hại. Hiện nay, loại thuốc này cũng đã có ở Việt Nam.

Ngoài ra, có một loại thuốc ức chế virus là thuốc Remdesivir (Mỹ). Loại thuốc này được các nhà khoa học Mỹ thử nghiệm trên lượng lớn bệnh nhân, dùng cho nhóm đối tượng tiến triển nguy cơ nặng. Đây là thuốc dạng tiêm, có giá thành khá cao ở Mỹ. Tuy nhiên, nước ta cũng được Tập đoàn Vingroup tài trợ 500.000 lọ thuốc Remdesivir để sử dụng cho TP Hồ Chí Minh. Trong lúc dịch bệnh cấp bách như hiện nay, với lượng lớn bệnh nhân mắc Covid-19, cứ có thuốc điều trị Covid-19 an toàn, có hy vọng, Bộ Y tế cho phép đã được sử dụng.

Bên cạnh đó, còn có thuốc kháng thể đơn dòng trung hòa virus như Bamlanivimab + Etesevimab hoặc Casirivimab + Imdevimab dạng truyền tĩnh mạch được dùng ở Mỹ rất đắt. Hiện Việt Nam chưa có. Giai đoạn đáp ứng viêm toàn thân cơ thể chống lại sự nhân lên cứ virus sinh ra các chất hóa học trung gian. Nếu đáp ứng quá mức sẽ gây tổn thương các cơ quan đặc biệt là phổi. Trong cơ chế bệnh sinh của Covid-19 có tổn thương lớp tế bào nội mạch mao mạch dễ hình thành các vi huyết khối mao mạch phổi (immunothrombosis) làm cho máu khó đến để nhận oxy gây tình trạng thiếu oxy máu thầm lặng. Ở giai đoạn này cần phát hiện sớm để hỗ trợ thở oxy kịp thời và sử dụng thuốc chống viêm corticosteroids, thuốc kháng đông máu đúng lúc giúp bệnh nhân chuyển nguy kịch. Tuy nhiên, thuốc chống đông cần phải có sự chỉ định của bác sĩ.

Nhìn chung, các thuốc để ức chế virus đã có một số thuốc được đưa ra nhưng nhóm thuốc dạng uống giai đoạn sớm, trong đó, Molnupiravir và thuốc Favipiravir có ưu điểm là có giá thành rẻ, dừng giảm uống, dùng sớm ở giai đoạn đầu, ngăn chặn chuyển biến nặng của bệnh. Đây là nhóm thuốc tác dụng vào ức chế virus thường cho vào giai đoạn sớm, bệnh nhân chưa có triệu chứng hoặc có triệu chứng ở giai đoạn đầu (3 ngày đầu). Khi dịch bùng phát mạnh, việc áp dụng thuốc này ở giai đoạn đầu của bệnh phù hợp với bối cảnh nước ta.

Cải thiện tình trạng bệnh

Việc ứng dụng thuốc trong điều trị Covid-19 hiện nay đã có hiệu quả như thế nào? Trong quá trình ứng dụng thuốc điều trị Covid-19, ngành Y tế đã gặp khó khăn như thế nào, thưa ông?

- Hiện nay chúng ta có thuốc Remdesivir đang sử dụng cho các bệnh nhân Covid-19 ở TP Hồ Chí Minh, qua một thời gian đưa thuốc vào điều trị, thấy có tác dụng giảm các tiến triển nặng của bệnh, tuy nhiên, cũng rất khó đánh giá tác dụng thật sự.

Còn thuốc Molnupiravir, Việt Nam cũng đã được nhiều DN mua hỗ trợ để sử dụng rộng rãi ở TP Hồ Chí Minh cho các F0 tại nhà và bệnh viện ở giai đoạn sớm.

Các thầy thuốc ở tuyến đầu cũng đánh giá thuốc có giảm các triệu chứng của bệnh. Chúng ta hy vọng, nếu đây là loại thuốc rẻ tiền, dễ mua có thể thực hiện được an toàn thì nước ta cũng nên tăng cường nhập thêm để có thuốc điều trị cho bệnh nhân.

Còn phác đồ điều trị bằng thuốc chống đông khi những ca chuyển biến nặng, Việt Nam đã áp dụng ngay từ đầu và đã cứu được rất nhiều bệnh nhân nặng. Việc điều trị bằng thuốc chỉ định chống viêm, chống đông, quan trọng là phải được theo sõi sát. Đến diễn biến giai đoạn nào nếu không theo dõi sớm sẽ rất nguy hiểm, còn nếu theo dõi đúng lúc có thể cải thiện tình trạng bệnh, giảm chuyển nặng. Nhóm này nằm ở tầng 2, nhóm bệnh nhân ở các cơ sở điều trị Covid-19, đòi hỏi phải có nhân lực để theo dõi, đặc biệt, theo dõi bão hòa oxy máu (SpO2). Trong các bệnh nhân Covid-19, nhiều trường hợp thiếu oxy máu nặng nhưng biểu hiện lâm sàng lại không rõ rệt nên cơ sở điều trị làm thế nào để cung cấp oxy đúng lúc và kịp thời, đảm bảo SpO2 trên 90% thì bệnh nhân sẽ được an toàn hơn.

Khả năng ứng dụng rộng rãi của các loại thuốc này như thế nào? Liệu thuốc điều trị Covid-19 có đáp ứng được tình hình dịch hiện nay không?

- Hiện nay, nhiều công ty dược ở Ấn Độ đã chào mời nước ta các thuốc ức chế virus, trong đó có Molnupiravir hoặc Favipiravir. Chúng ta tiếp cận có thể mua các thuốc này với kinh phí cũng không đắt để áp dụng thuận tiện trong việc điều trị. Bộ Y tế cũng đã đang tiến hành đánh giá các thuốc này.

Với thuốc Remdesivir để các bác sĩ tuyến đầu trong miền Nam điều trị xem tác dụng ra sao. Nếu các bác sĩ thấy thuốc này có tác dụng rõ rệt, nước ta có thể mua được. Tuy nhiên, đây là dạng thuốc truyền tĩnh mạch, giá thành cũng cao hơn nên hiện nay Việt Nam đang dùng thuốc của các nhà tài trợ. Với lượng thuốc sau một thời gian dùng ở các tâm dịch để chờ các bác sĩ đánh giá tác dụng thực sự như thế nào. Nếu cần thiết, chúng ta xem xét mua thuốc của Mỹ và mua cả bản sao các khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), những nơi nào khuyến cáo, nước ta có thể xem xét sử dụng.

Với các thuốc chống đông vẫn là thuốc thông dụng để chữa tất cả các bệnh khác thì chúng ta đang có đầy đủ.

Hiện nay, nhiều người dân săn lùng, tích trữ và tự ý sử dụng thuốc điều trị Covid-19. Ông có khuyến cáo như thế nào để người dân không tích trữ, tự ý sử dụng thuốc điều trị Covid-19?

- Khi dịch Covid-19 xảy ra, đặc biệt, ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Nam, lượng bệnh nhân mắc Covid-19, ca tử vong tăng lên hàng ngày khiến người dân lo lắng. Tuy nhiên, với các thuốc điều trị Covid-19 phải có sự theo dõi của bác sĩ để được chỉ định đúng lúc, đúng chỗ. Rõ ràng, nếu nước ta có nguồn cung cấp đầy đủ thì đã cung cấp cho các bệnh viện, khi đó, các bác sĩ chỉ định sẽ phù hợp và đúng hơn. Còn nếu người dân tích trữ, có thể sau này sẽ không dùng đến. Hoặc người dân tích trữ, không biết cách dùng, dùng sai thời điểm có khi còn nguy hại tới tính mạng.

Hiện nay, có nhiều trường hợp ở các tỉnh miền Nam cũng đã mua một số dụng cụ như máy đo SpO2, bình oxy tại nhà để theo dõi tình trạng bệnh… Nếu người dân có điều kiện mua máy tạo oxy cũng được nhưng về thuốc men rất khó khăn. Hiện tại ở các vùng dịch, Bộ Y tế đã tổ chức mô hình trạm y tế lưu động khi người dân cần các loại thuốc của Bộ Y tế đã được Bộ chuẩn bị tương đối nhưng tuyệt đối phải có sự chỉ định của bác sĩ.Nếu cần thiết, người dân liên hệ với các cơ sở y tế để có sự hỗ trợ kịp thời. Đây là vấn đề người dân luôn cảnh giác nhưng cũng đừng lo lắng quá mức. Bởi người bệnh hoảng loạn quá đôi khi cũng làm cho tình trạng oxy xuống thấp. Chúng ta cần có sự tiếp cận, hỗ trợ của ngành y tế để người bệnh có những tư vấn, điều trị một cách sát thực và kịp thời, tránh bệnh trở nặng.

Xin cảm ơn ông!

 

"Khi phản ứng viêm, người ta dùng một số thuốc để ức chế cục máu đông, trong đó có thể sử dụng Heparin, nếu nhẹ dùng liều dự phòng. Ngoài thuốc chống đông dạng tiêm Heparin thông thường hoặc Heparin trọng lượng phân tử thấp Enoxyparin có thể dùng 1 trong 3 loại thuốc chống đông thế hệ mới dạng uống theo chỉ định của bác sĩ liều dự phòng cho trường hợp nguy cơ, liều điều trị cho bệnh viện có huyết khối hoặc có chỉ điểm xét nghiệm D-diner tăng; Rivaroxaban; Apixaban; Dabigatran. Những thuốc kháng đông này dùng tương đối an toàn, ít nguy cơ chảy máu, thì người ta cũng có thể sử dụng ở giai đoạn sớm." - Bác sĩ Nguyễn Hồng Hà

 

kinhtedothi

http://nguoihanoi.com.vn/ky-vong-vao-thuoc-dieu-tri-covid-19_268257.html

Đã đăng bởi Sức Khỏe Việt trong mục Thông tin thuốc
4005 lượt xem

Bài liên quan

00:00 Thịnh hành Nam y ngũ vị thần dược

Nam y ngũ vị thần dược

4495 lượt xem
00:00 Thịnh hành 5 vị thuốc nam phòng chữa bệnh thường gặp

5 vị thuốc nam phòng chữa bệnh thường gặp

5772 lượt xem
00:00 Thịnh hành Công dụng và những bài thuốc hay từ hoa nhài

Công dụng và những bài thuốc hay từ hoa nhài

1945 lượt xem
00:00 Thịnh hành Bài thuốc chữa bệnh từ chim đa đa

Bài thuốc chữa bệnh từ chim đa đa

3314 lượt xem
00:00 Thịnh hành Kim anh tử trong y học cổ truyền

Kim anh tử trong y học cổ truyền

4831 lượt xem
00:00 Thịnh hành Tác dụng của cây lệ dương ít ai biết

Tác dụng của cây lệ dương ít ai biết

4635 lượt xem
00:00 Thịnh hành Những bài thuốc cổ truyền từ bách hợp

Những bài thuốc cổ truyền từ bách hợp

3452 lượt xem
00:00 Thịnh hành Kế sữa - vị thảo dược đa dụng

Kế sữa - vị thảo dược đa dụng

180 lượt xem
00:00 Thịnh hành Công dụng chữa bệnh của ngũ gia bì

Công dụng chữa bệnh của ngũ gia bì

4934 lượt xem